Menu

Cẩm nang

KINH NGHIỆM DU HỌC NEW ZEALAND KHI ĐÃ CÓ GIA ĐÌNH

Cập nhật: 17/04/2018 Lượt xem: 698

 TRƯỚC KHI DU HỌC NEW ZEALAND

Chào Nghĩa, bạn có thể cho chúng tôi biết tại sao bạn chọn New Zealand (NZ) làm địa điểm du học thay vì các quốc gia phổ biến khác như Anh, Úc hoặc Mỹ không?

Đối với mình, nước Anh nói riêng hay các quốc gia ở khu vực Tây Âu nói chung chỉ thích hợp đi du lịch chứ không quá lý tưởng để du học hay sinh sống. Nói vềMỹ thì quốc gia này lại cách Việt Nam ít nhất là 20 giờ bay nên quá trình di chuyển sẽ rất mệt mỏi, nhất là khi mình mang theo con nhỏ khi đó mới 20 tháng. Còn nước Úc theo mình tìm hiểu thì thu hút khá nhiều dân nhập cư nên mức độ cạnh tranh về mọi mặt sẽ rất khắc nghiệt.

Riêng đối với NZ, nơi đây có năm điều mình rất thích. Thứ nhất, dân số ở NZ rất thưa thớt nên từ đó cũng ít tệ nạn xã hội. Diện tích của NZ tương đương với lãnh thổ Việt Nam nhưng tổng dân số của quốc gia này chỉ bằng một quận của TP. Hồ Chí Minh. Nói không ngoa khi số lượng cừu tại NZ còn nhiều hơn cả người. Thứ hai, cuộc sống ở NZ rất yên bình khi con người và thiên nhiên lúc nào cũng hòa hợp. Hầu như không có góc đường hoặc con phố nào tại NZ thiếu vắng hoa cỏ. Thứ ba, chất lượng giáo dục và hệ thống chăm sóc sức khỏe ở NZ rất tốt khiến cho nơi đây trở thành một môi trường phát triển lý tưởng cho con của mình. Thứ tư, người NZ không có khái niệm kỳ thị chủng tộc. Cuối cùng và cũng quan trọng nhất, du học sinh NZ hệ Cử nhân trở lên được mang gia đình theo.

 

https://images6.content-hci.com/commimg/myhotcourses/blog-inline/myhc_26847.jpg

Thiên nhiên New Zealand

 International Pacific University (IPU) có những thế mạnh gì khiến bạn quyết định chọn ngôi trường này để du học New Zealand?

Thật ra mình chọn học tại IPU là do nghe theo lời giới thiệu của một người quen. Nếu bạn thử hỏi một người NZ, phần lớn họ sẽ không biết đây là trường nào vì IPU vốn là một trường của Nhật chuyên nhận sinh viên Nhật sang NZ học.

 Tất cả cán bộ nhân viên trong trường IPU đều là người NZ nhưng với số lượng sinh viên Nhật áp đảo khiến cho môi trường giao tiếp tiếng Anh nơi đây trở nên pha tạp. Trình độ tiếng Anh của các bạn sẽ rất khó được cải thiện khi học ở IPU vì khả năng Anh ngữ của các bạn Nhật thường không quá xuất sắc.

 Nhưng nói vậy không có nghĩa IPU không có gì nổi bật. Hằng năm trường IPU chỉ nhận khoảng 500 sinh viên nên môi trường học tập ở đây thân thiện như một gia đình khi hầu như ai cũng biết mặt nhau. Các giảng viên tại trường lại nhiệt tình trong giảng dạy vì họ không phải tham gia nhiều công việc ngoài chuyên môn như tại các trường đại học lớn khác. Vì có nhiều thời gian đầu tư vào giảng dạy nên các thầy cô luôn cung cấp góc nhìn thực tế cho từng nội dung trong chương trình. Nếu so sánh khóa học Cao đẳng tại RMIT Việt Nam mình từng học với chương trình Cử nhân tại IPU thì khối lượng học tập ở IPU nhẹ nhàng hơn.

https://images5.content-hci.com/commimg/myhotcourses/blog-inline/myhc_26846.jpg

Khuôn viên trường IPU

 Ad được biết bạn đã nộp hồ sơ xin học bổng của trường IPU để du học New Zealand. Bạn có thể chia sẻ sơ lược về học bổng này không?

Trường IPU có 3 mức học bổng mỗi năm dành cho sinh viên quốc tế lần lượt là 3.000 NZD, 5.000 NZD và 7.000 NZD kéo dài trong suốt ba năm học. Để duy trì học bổng, sinh viên quốc tế phải đi học đầy đủ và tất cả các môn phải đạt từ điểm B (khoảng 75/100) trở lên. Để ứng tuyển học bổng này, bạn phải tham gia hai vòng xét duyệt:

  • Vòng 1: Thi Nghe, Đọc, Viết do đại diện của trường ở VN tổ chức kéo dài khoảng 2,5 tiếng.
  • Vòng 2: Viết một bài luận nêu lý do tại sao bạn xứng đáng nhận được học bổng. Ở vòng này, nếu bạn có thêm thư giới thiệu (recommendation letter) từ thầy cô hoặc sếp trực tiếp thì khả năng đậu học bổng sẽ cao hơn.

 Sau hai vòng tuyển chọn, mình được trao mức học bổng 5.000 NZD (khoảng 84 triệu đồng)/ năm.

Bạn nghĩ quyết định du học khi đã có gia đình sẽ tạo ấn tượng như thế nào đối với ban xét duyệt học bổng cũng như ban tuyển sinh?

Thật ra mình không đề cập đến việc sẽ mang gia đình theo trong quá trình nộp hồ sơ vào IPU. Mình nghĩ các bạn không nên chia sẻ quá chi tiết về dự định muốn mang gia đình theo vì ban tuyển sinh chắc chắn sẽ thắc mắc liệu bạn có đủ khả năng lo cho con trong lúc du học không. Dù bạn tự tin nói mình có thể nhưng chưa chắc ban tuyển sinh sẽ tin tưởng vào lời bạn nói 100%. Bạn có thể đạt được học bổng nhưng đó cũng chỉ hỗ trợ một phần kinh phí. Nếu ban tuyển sinh biết bạn mang cả gia đình thì họ sẽ đặt nặng về vấn đề chứng minh tài chính hơn vì không một nơi nào muốn nhận sinh viên có quá nhiều ràng buộc lẫn trách nhiệm vào học.

Thứ tự quy trình nộp hồ sơ nhập học IPU của bạn diễn ra như thế nào?

Quá trình nhập học IPU của mình gồm các bước sau đây:

  • Tham gia xét tuyển học bổng vòng 1
  • Nhận kết quả vòng 1
  • Tham gia xét tuyển học bổng vòng 2
  • Nhận giấy báo học bổng và thư mời nhập học của trường
  • Làm hồ sơ xin visa
  • Đóng học phí
  • Mua vé máy bay
  • Chuẩn bị lên đường

Thủ tục chuẩn bị giấy tờ cho chồng và con của bạn để sang New Zealand diễn ra như thế nào?

Mình nộp hồ sơ visa cho bản thân và con cùng lúc. Giấy tờ nhiêu khê nhiều thứ nhưng quan trọng nhất vẫn là chứng minh tài chính đủ khả năng chi trả cho suốt thời gian du học. Thông thường xét hồ sơ visa du học NZ không có vòng phỏng vần nhưng do hồ sơ của mình khá đặc biệt nên họ đã gọi điện phỏng vấn mình. Họ hỏi mình về kế hoạch sắp xếp thời gian cho việc học tập và chăm sóc con như thế nào. Sau khi mình và bé đậu visa thì mới tiến hành làm visa cho chồng theo diện đoàn tụ với vợ.

 Bạn có lưu ý gì cho mọi người về những thứ nên và không nên mang trong hành lý khi du học New Zealand không?

Các bạn không nên mang theo:

  • Tất cả các loại thịt, kể cả còn sống hay đã nấu chín. Nhằm phòng tránh mầm bệnh nên NZ kiểm tra nhập cảnh rất gắt gao. Nếu bạn muốn mang thịt sang NZ thì phải khai báo rõ ràng và nhập cảnh ở một cổng đặc biệt.
  • Các đĩa DVD lậu vì nếu bị phát hiện sẽ bị bắt.
  • Các loại thực phẩm đóng gói như mì gói, mủ trôm, tôm khô,… Nếu có mang theo thì toàn bộ phải có nhãn hiệu.
  • Các loại áo ấm mua ở Việt Nam vì vừa không hợp thời trang ở NZ vừa không đủ ấm.

 Các bạn nên mang theo:

  • Một số dụng cụ cá nhân như bàn chải, kem đánh răng, dầu gội đầu, lược,… để dùng trong vài tuần đầu mới sang. Sau đó bạn có thể tự đi mua được hết mọi thứ với giá cả tương tự ở Việt Nam.
  • Quần áo màu trung tính hoăc màu tối. Người NZ hiếm khi mặc áo màu tươi mà đa phần chỉ vận màu đen. Nếu bạn mặc một chiếc áo màu đỏ hay vàng ra đường thì dù không ai nói gì nhưng bạn vẫn sẽ thấy lạc lõng. Tốt nhất bạn đừng nên mang quần áo quá nhiều mà hãy đến NZ hãy mua thêm để vừa hợp với khí hậu vừa đúng với phong cách ăn mặc của người Kiwi. Ở NZ có 4 mùa nên quần áo cũng thay đổi xoay vòng. Mỗi mùa bạn mua thêm 1 – 2 cái là đủ mặc quanh năm. Quần áo tại các siêu thị bình dân thường rất rẻ, áo thun có khi chừng 5 – 6 NZD (80 – 100 ngàn đồng/cái).

 TRONG QUÁ TRÌNH DU HỌC NEW ZEALAND

Hiện bạn đã học tập tại trường IPU được 1 năm, bạn có thể chia sẻ về trải nghiệm học tập tại trường IPU của mình được không?

Ngành học Contemporary Business của mình có tổng cộng 24 môn, học trong vòng 3 năm. Đến năm 2, sinh viên có quyền chọn chuyên ngành hoặc không. Các chuyên ngành được chọn gồm có Kế toán, Tài chính, Marketing và Quản lý.

 Đặc biệt ở IPU có 8 môn học bắt buộc bao gồm Nguyên tắc về kinh tế, Quan hệ quốc tế (International Relations), Môi trường, Nghiên cứu (Research 1 and 2) và Thực hiện đồ án (Project A and B). Các bạn sinh viên chọn ngành Kinh tế nhưng vẫn phải học môn bắt buộc Môi trường vì ba yếu tố Kinh tế, Môi trường vàChính trị luôn có mối quan hệ mật thiết với nhau. Chỉ khi hiểu về mối quan hệ tương quan này thì các bạn mới có thể đưa ra các quyết định đúng đắn trong sự nghiệp nhằm bảo vệ con người và thiên nhiên. Trong môn Môi trường, mình còn được đi thực địa (field trip) rất bổ ích.

 Trong môn Quan hệ Quốc tế, mình được thực hành một mô hình gọi là United Nation Session (Họp Liên Hợp Quốc). Giáo viên đưa ra chủ đề "Bắc Hàn phóng tên lửa hạt nhân sát với biên giới của Hàn Quốc" và mỗi nhóm sinh viên sẽ được chỉ định làm đại diện của một quốc gia trong Liên Hợp Quốc. Trong đó, Trung Quốc và Nga ủng hộ Bắc Hàn còn Mỹ và Anh về phe Hàn Quốc. Sinh viên được chọn làm đại diện của quốc gia nào phải đứng lên thuyết trình lý do ủng hộ Bắc Hàn hay Nam Hàn. Các bước của một buổi tọa đàm mô phỏng được diễn ra tương tự như phiên họp chính thức ở Liên Hợp Quốc nên rất thực tế và thú vị.

   Bạn đã gặp phải những khó khăn gì trong lúc du học, nhất là khi bạn đã có gia đình?

Khó khăn đầu tiên theo mình là rào cản về ngôn ngữ. Tiếng Anh của mình không giỏi nhưng cũng không quá tệ. Nhưng thời gian đầu khi mới sang NZ, mình gần như không hiểu người bản xứ nói gì vì họ nói rất nhanh, chữ này nối chữ kia rất khó nghe. Nhớ có lần mình đi siêu thị, nhân viên thu ngân nói chuyện xã giao với mình nhưng mình cứ "pardon" với "sorry" hoài nên cảm thấy lạc lõng vô cùng.

Sau đó là cảm giác nhớ nhà, nhất là 2 tháng đầu khi chồng mình chưa qua. Lịch nhập học của mình vào tháng 01/ 2017 nên mình phải có mặt ở NZ cuối tháng 12 năm trước. Cùng lúc đó hồ sơ của chồng có vài trục trặc nên tới tận tháng 2 anh ấy mới sang đoàn tụ với mình và bé.

 Ngoài ra thì khí hậu ở NZ cũng tương đối khắc nghiệt với mùa đông rất lạnh và mưa nhiều. Lắm lúc mình thèm cái nắng nóng ở Việt Nam da diết.

 Và bạn đã vượt qua những khó khăn đó như thế nào?

Mặc dù có nhiều trở ngại nhưng mình và gia đình vẫn có thể thích nghi khá tốt sau khoảng 1 – 2 tháng sau làm quen với nếp sống của người NZ. Mình quan sát người dân ở đây rồi bắt chước cách giao tiếp lẫn sinh hoạt để nhanh chóng hòa nhập. Chẳng hạn như gia đình mình bắt đầu quan tâm hơn tới môi trường bằng việc phân loại rác thải sinh hoạt, dành thời gian chăm sóc sân vườn và trồng hoa cắt cỏ. Vợ chồng mình cũng tập dần những thú vui nho nhỏ như ra bờ hồ ngắm vịt, ngắm cây cỏ và nghe chim hót.

 Mình vừa du học toàn thời gian, vừa đi làm thêm và lại có con nhỏ nên thật sự rất bận rộn. Mình đến lớp học vào buổi sáng, đi làm từ trưa đến chiều. Vào buổi tối, khi bé từ nhà trẻ trở về thì mình dành trọn vẹn thời gian cho con. Mình thường dành thời gian học bài sau khi con đã ngủ, khoảng từ 9 giờ tối đến nửa đêm, có khi mình thức luôn đến 1, 2 giờ sáng. Do cảm thấy hứng thú với việc học nên thành thích học tập của mình khá tốt. Năm học vừa qua, mình đạt được danh hiệu Exellence Award của trường dành cho sinh viên có điểm A và đứng nhất lớp.

https://images2.content-hci.com/commimg/myhotcourses/blog-inline/myhc_26848.jpg

Nghĩa nhận bằng khen đạt danh hiệu Exellence Award

 Về gia đình nhỏ của mình, mục tiêu của hai vợ chồng là bé phải nói và viết được tiếng Việt. Hiện giờ, bé đã giao tiếp bằng tiếng Việt và Tiếng Anh khá tốt. Bé còn biết một ít tiếng Maori – ngôn ngữ địa phương của người bản xứ ở NZ. Mình thật sự may mắn khi có chồng ở cạnh hỗ trợ vì nếu không chắc mình khó có thể quán xuyến hết mọi thứ.

 Bạn có được phép đi làm trong lúc du học không? Công việc của bạn hiện tại là gì?

Trong thời gian học, sinh viên quốc tế được phép đi làm tối đa 20 giờ/ tuần còn vào kỳ nghỉ sinh viên quốc tế có thể làm toàn thời gian. Trong một năm qua mình đã đi làm thêm ở một nhà hàng Thổ Nhĩ Kì và bây giờ là một nhà hàng Việt Nam. Cả hai đều là nhà hàng nhỏ chỉ có 1 chủ và 2 nhân viên nên mình phải đảm đương mọi công việc từ đặt món, tính tiền, rửa chén, lau dọn và thu ngân.

 Theo đúng quy định, lương tối thiểu của lao động tại NZ là 15.75 NZD (khoảng 300 ngàn đồng)/ giờ nhưng gần như 90% các nhà hàng chỉ trả khoảng 10 – 12 NZD (khoảng 200 ngàn đồng)/ giờ cho sinh viên. Vì cần công việc và không muốn phiền phức nên đa phần sinh viên quốc tế chấp nhận mức lương đó.

 Chính phủ New Zealand đã hỗ trợ chồng và con của bạn như thế nào trong lúc bạn học tập tại đây?

Nếu du học NZ từ Thạc sĩ trở lên thì chồng và con của bạn sẽ được hưởng các chính sách không khác người bản xứ. Riêng với hệ Cử nhân của mình thì không được hưởng nhiều chính sách lắm khi chồng không được đi làm và phải đóng tiền học đắt đỏ cho con trong khi con của người bản xứ được đi học miễn phí.

Bạn có thể chia sẻ về học phí mỗi năm cho ngành Comtemporary Business khi học ở IPU được không?

Học phí chính thức của ngành học này là 19.000 NZD (khoảng 320 triệu đồng)/ năm cho 8 môn học. Nếu bạn học quá số môn thì phải đóng thêm học phí. Mình được học bổng 5.000 NZD/ năm nên học phí mình phải đóng là 14.000 NZD (khoảng 235 triệu đồng) / năm. Cộng thêm với tiền cơ sở hạ tầng, hành chánh, sách giáo khoa,... thì tổng cộng số tiền mình phải đóng là 15.750 NZD (khoảng 263 triệu đồng)/ năm.

 Sinh hoạt phí cụ thể hàng tháng của bạn trong thời gian học tập tại IPU ở New Zealand là bao nhiêu?

Mức sinh hoạt phí ở NZ khá đắt đỏ. Dưới đây là chi phí cho cả gia đình của mình gồm 3 thành viên trong 1 tuần.

  • Tiền thuê nhà: Đầy đủ nội thất, 2 phòng ngủ, 1 phòng khách, bếp, 1 nhà vệ sinh: 240 NZD
  • Tiền điện: Mùa thu đông đắt hơn xuân hè vì phải mở lò sưởi, trung bình khoàng: 25 NZD
  • Tiền mạng: 25 NZD
  • Ăn uống: khoảng 200 - 250 NZD
  • Linh tinh khác: 50 NZD

Sinh viên IPU được đi xe buýt miễn phí nên mình không có tốn chi phí đi lại. Tổng chi phí cho 3 người rơi vào khoảng 600 NZD (khoảng 10 triệu đồng)/ tuần. Nếu cho 1 người thì sẽ khoảng 200 NZD (khoảng 3 triệu rưỡi)/ tuần.

Chi phí cho 1 người sống 1 năm ở NZ là khoảng 11.000 NZD (tầm 176 triệu đồng). Nếu tính lương làm việc mỗi tuần 20 giờ của sinh viên là 12 NZD/ giờ thì một năm sinh viên có thể kiếm được khoảng 12.500 NZD, vừa đủ để lo các khoản chi phí sinh hoạt nếu biết tính toán.

Đó là chưa kể thêm những chi phí phát sinh như khám chữa bệnh (bảo hiểm chỉ trả một phần), đi du lịch, mua sắm quần áo hay đi ăn nhà hàng. Tuy nhiên theo mình bạn nên cân nhắc tài chính thật kĩ trước khi đi du học vì chi phí sẽ đội lên rất cao. Bạn đừng nên nghĩ là sẽ cố gắng làm thêm nhiều để bù chi phí vì làm vậy bạn sẽ không còn nhiều thời gian cho việc học.

 DỰ ĐỊNH SAU KHI TỐT NGHIỆP

Sau khi tốt nghiệp tại New Zealand du học sinh có được phép ở lại làm việc không? Nếu có thì bạn sẽ ở lại New Zealand làm việc chứ?

Sau khi tốt nghiệp, sinh viên quốc tế được phép ở lại NZ 1 năm để tìm việc. Khoảng 3 – 4 năm về trước, việc xin việc và định cư lại NZ dễ dàng hơn hiện tại. Bây giờ tỉ lệ sinh viên phải trở về VN sau khi tốt nghiệp chiếm khoảng 90%. 10% còn lại hoặc ít hơn được ở lại NZ sau khi tốt nghiệp đều là những bạn thật sự giỏi.

 Bạn có thể đưa ra một số lời khuyên cho những bạn đã có gia đình nhưng mong muốn du học tại New Zealand trong tương lai không?

Nếu bạn thật sự muốn mang gia đình theo trong lúc du học thì nên chuẩn bị tinh thần sẽ phải cố gắng rất nhiều trong mọi hoàn cảnh. Với cương vị là sinh viên quốc tế, cuộc sống tại NZ chắc chắn sẽ vất vả hơn khi bạn còn ở Việt Nam. Nhưng đổi lại, bạn sẽ có những thứ nếu ở Việt Nam sẽ không bao giờ có được như:

  • Con cái được tự do phát triển trong môi trường giáo dục cởi mở và hiện đại. Trong một lớp học, đối với bé dưới 2 tuổi thì 1 cô sẽ giữ 3 bé còn đối với bé 3 tuổi trở lên, 1 cô sẽ giữ 4 bé. Con trẻ sẽ được hòa mình vào thiên nhiên và chim muông. Vì tỉ lệ tội phạm ở NZ gần như bằng không nên trẻ em có thể tự đi bộ đến trường mà không cần ba mẹ đưa rước.
  • Được hưởng chế độ chăm sóc sức khỏe tuyệt vời. Nhớ có lần mình bị bệnh buộc phải tiểu phẫu mà cứ mỗi 5 phút là có bác sĩ và y tá đến hỏi han và động viên dù mình là dân nhập cư và sử dụng dịch vụ bảo hiểm.
  • Quyền lợi của người tiêu dùng được bảo vệ tuyệt đối. Đặt trường hợp bạn đi ăn ở nhà hàng và nói rõ mình dị ứng với đậu phộng mà đầu bếp không cần thận cho đậu phộng vào phần ăn thì có thể sẽ bị Hội đồng thành phố (City Council) xử lý. Nếu trường hợp bạn bị dị ứng quá nặng, nhà hàng đó sẽ bị đóng cửa vĩnh viễn và chủ cửa hàng không bao giờ được kinh doanh quán ăn tại NZ nữa.
  • Có nhiều thời gian nhàn rỗi để tận hưởng cuộc sống. Vì NZ ít dân, đời sống lại không nhộn nhịp nên mình có nhiều thời gian chiêm ngưỡng thiên nhiên, phơi nắng, nghe chim hót và chăm sóc gia đình.

 

Tin tức khác

A PHP Error was encountered

Severity: Core Warning

Message: PHP Startup: Unable to load dynamic library '/usr/local/lsws/lsphp70/lib/php/20151012/redis.so' - /usr/local/lsws/lsphp70/lib/php/20151012/redis.so: undefined symbol: json_globals

Filename: Unknown

Line Number: 0

Backtrace: